"Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì thói quen tốt trong cuộc sống của mình, có thể bạn đã đặt mục tiêu cho bản thân quá cao so với thực tế", Tiến sĩ BJ Fogg, nhà sáng lập phòng thí nghiệm Thiết kế Hành vi của Đại học Stanford chia sẻ.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu về cách duy trì thói quen , ông cho rằng để tạo dựng những thói quen mới, chìa khóa của thành công là bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. "Nhỏ nhưng có võ đấy!", ông hài hước chia sẻ.
Từ năm 1998, Tiến sĩ Fogg đã tiến hành các nghiên cứu và điều hành phòng thí nghiệm Thiết kế Hành vi để tìm ra cách các thói quen được hình thành và quan trọng hơn là cách để chúng trở nên quen thuộc trong cuộc sống. Đồng thời, ông cũng là huấn luyện riêng của hơn 40.000 người trong nghiên cứu của mình.
"Tất cả đều bắt đầu từ những bước đi đầu tiên", Fogg viết trong cuốn sách Tiny habits: The small changes that change everything của mình.
Theo Tiến sĩ Fogg, hầu hết mọi người đều đặt mục tiêu quá cao và quá khó khi bắt đầu hình thành một thói quen mới, và vì thế dễ dàng dẫn đến thất bại. Ví dụ, nếu bạn đặt ra mục tiêu là mỗi ngày uống 3 lít nước lọc thì ít nhất là bạn phải bắt đầu bằng việc uống một ly sau khi bạn thức dậy vào buổi sáng.
Bằng cách thực hiện những điều nhỏ bé trước tiên, ông nhận thấy rằng mọi người có xu hướng duy trì thói quen mới tốt hơn vì những hành động đó không đòi hỏi nhiều sức lực và thời gian. Họ cũng không cần tạo một bản kế hoạch phức tạp hoặc sự giúp đỡ của nhiều người.
Ngoài ra, Fogg cho rằng bạn cũng nên hình thành một hành động mới ngay sau một thói quen lâu dài trong cuộc sống, chẳng hạn như thiết lập một thói quen mới ngay sau việc đánh răng rửa mặt vào buổi sáng.
"Mỗi hành vi cần một "dấu nhắc" để xảy ra. Vì thế, những thói quen lâu dài của bạn có thể giúp duy trình thói quen mới một cách nhanh chóng và tự nhiên nhất. Và cuối cùng, để nó gắn bó lâu dài trong cuộc sống, một điều quan trọng là bạn nên ăn mừng sau khi hoàn thành thói quen.
Với việc tự chúc mừng bản thân sau khi đạt được mục tiêu, bạn như được tiếp thêm sức mạnh và sự khích lệ để tiếp tục thực hiện nó trong thời gian tới. Thậm chí, bạn sẽ thực hiện thói quen đó hiệu quả hơn so với dự định ban đầu cũng như bớt sợ hãi hơn khi cố gắng thử sức với những thử thách khác.
Theo một nghiên cứu gần đây do nhóm Fogg thực hiện, những thói quen mà mọi người muốn thực hiện nhất thường liên quan ít nhiều đến việc cải thiện năng suất .
Những thói quen mà mọi người muốn thực hiện nhất thường liên quan đến việc cải thiện năng suất.
Theo Fogg, một thói quen nhỏ nhưng mang lại năng suất làm việc hiệu quả có thể là đặt điện thoại ở chế độ không làm phiền ngay khi ngồi vào bàn làm việc. Khi thói quen được duy trì, nó sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền và từ đó năng suất làm việc của bạn được cải thiện đáng kể. Lý do là bởi khi thực hiện những thói quen nhỏ này, bạn sẽ ít sợ hãi hơn và cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện những thử thách.
"Khi bạn đi từ những bước nhỏ, bạn không cần dựa vào sức mạnh ý chí hay động lực. Tuy nhiên, những bước nhỏ đó sẽ lớn lên, giống như một hạt giống bé nhỏ dần dần trở thành một cái cây to lớn vậy", Fogg viết trong cuốn sách của mình.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Fogg, dưới đây là 12 thói quen nhỏ nhưng ngay lập tức giúp bạn tăng năng suất làm việc đáng kể:
Fogg đề nghị hãy nhắc nhở bản thân thực hiện những thói quen này xuyên suốt trong ngày. Mỗi thói quen nên được liên kết với một thói quen lâu dài của bạn để nhắc nhở bản thân hoàn thành nó tốt hơn.
1. Ngay sau khi ngồi vào bàn làm việc, tôi sẽ đặt điện thoại ở chế độ không làm phiền.
2. Ngay sau khi đóng cửa văn phòng, tôi sẽ sắp sếp lại một món đồ nằm trên bàn làm việc.
3. Ngay sau khi đọc xong e-mail, tôi sẽ đóng tab trình duyệt e-mail.
4. Ngay sau khi mở một cửa sổ Word mới, tôi sẽ ẩn tất cả các chương trình khác đang chạy trên máy tính của mình.
5. Ngay sau khi cảm thấy mình đang lướt web vô bổ và không có chủ đích, tôi sẽ đăng xuất.
6. Ngay sau khi ngồi vào chỗ trong một cuộc họp, tôi sẽ viết tiêu đề, ngày tháng và những người tham dự ở ngay đầu trang sổ ghi chép của mình.
7. Khi nhận thấy cuộc gọi diễn ra lâu hơn dự kiến, tôi sẽ nói với đầu dây bên kia: "Cuộc nói chuyện của chúng ta thật tuyệt nhưng tôi cần phải gác máy bây giờ rồi. Còn điều gì quan trọng mà chúng ta chưa đề cập không nhỉ?"
8. Sau khi đọc một chiếc e-mail quan trọng, tôi sẽ đặt nó trong một thư mục riêng với những e-mail liên quan.
9. Sau khi đọc một chiếc e-mail mà không thể xử lý ngay lập tức, tôi sẽ đánh dấu là chưa đọc.
10. Sau khi đọc một email cần nhiều thời gian để nghiên cứu, tôi sẽ trả lời theo kịch bản: "Tôi đã hiểu vấn đề. Tôi sẽ xem xét chi tiết hơn và liên lạc lại sớm nhé!"
11. Sau khi tan làm, tôi sẽ nghĩ về một thành công mà mình thực hiện được trong ngày.
12. Ngay sau khi bước vào nhà, tôi sẽ treo chùm chìa khóa của mình lên móc.
Theo CNBC